Hệ tiện ích trên tầng cao tại dự án The Filmore Da Nang
...
Là con trai của Chủ tịch Công ty BĐS Phát Đạt, Nguyễn Tấn Danh không muốn là cây non đứng dưới tán cổ thụ. Anh lập sự nghiệp BĐS riêng với tâm niệm mình đang ở vạch xuất phát và luôn cố gắng giữ cho 2 chân chạm đất.
Vừa chạy xe từ một cuộc họp ở Bình Dương về trụ sở công ty tại Tp. Hồ Chí Minh, Nguyễn Tấn Danh bỏ qua bữa ăn trưa và bắt đầu cuộc phỏng vấn đầu tiên trên truyền thông với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Filmore, một công ty bất động sản 5 năm tuổi làm chủ đầu tư toà nhà ở cao cấp “Cá chép hoá rồng” tại Đà Nẵng.
Tấn Danh được biết đến là con trai ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT của CTCP Phát Đạt, một trong những công ty BĐS niêm yết lớn của Việt Nam.
Không phủ nhận mình chịu áp lực bởi cái bóng của bố mẹ nhưng Tấn Danh có con đường riêng của mình khi căn hộ đầu tiên của dự án The Filmore Da Nang bán được cho khách hàng tại Hong Kong với giá 1,2 triệu USD.
Vào năm 2018, khi đang giữ vị trí Phó Chủ tịch của CTCP BĐS Phát Đạt, anh thành lập một Công ty bất động sản mới với cái tên Filmore. Cuộc “ra riêng” này bắt nguồn như thế nào?
Trong thời gian làm tại Phát Đạt, có một người bác đã nói với tôi rằng, những cây non lúc nào cũng được tán cây đại thụ xung quanh che phủ trước mưa bão thì sẽ khó có thể vươn cao được. Câu nói đó đã góp phần thúc đẩy tôi bước ra khỏi vùng an toàn.
Tôi nhớ lại ngày còn học lớp 9, ba mẹ nói hết lớp 12 mới được đi du học. Tuy nhiên, tôi không chịu, tôi muốn đi ngay từ lớp 10. Lúc đó cũng phải trải qua một số cuộc tranh luận và cuối cùng tôi được đồng ý cho đi du học từ lớp 10.
Tôi đã từng ‘đấu tranh’ từ lúc nhỏ như vậy, tại sao ở tuổi trưởng thành lại không bước ra ngoài tự kinh doanh và trải nghiệm các va vấp? Người bác đó chỉ cho tôi thấy rằng nếu cứ ở Phát Đạt và được bao bọc thì về lâu về dài, tôi có thể sẽ bị tự tin ảo về bản thân, tự cho là mình giỏi.
Bạn có nhớ lời một câu rap của Đen Vâu không? “Ai cũng nghĩ mình thật to tát đến khi đời cho một cái tát to”.
Hoặc trường hợp khác, việc đó tạo cho mình sự tự ti, sợ sai vì không có trải nghiệm, va vấp để rút ra bài học kinh nghiệm. Tôi sợ mình rơi vào những trường hợp đó.
Vậy khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch của Phát Đạt, anh đã nghĩ gì?
Phát Đạt là công ty đại chúng, một công ty lớn, nên khi được bổ nhiệm vào vị trí trên thì tôi không tránh khỏi những lo lắng. Tôi có nhiều lúc tự vấn bản thân rằng có phải mình đang mặc một cái áo quá rộng so với mình hay không.
Nhưng theo một chiều hướng tích cực khác thì tôi suy nghĩ mình sẽ phải làm gì, làm như thế nào để mình có thể mặc vừa nó. Tôi lại thấy đây lại là chính là cơ hội để cho mình được thử thách và từ đó có thể trau dồi thêm cho mình nhiều kiến thức, kinh nghiệm để có thể tiến tới và đưa Filmore niêm yết trong tương lai.
Sợ bị cho một cái tát to, anh ra riêng và làm ngay sản phẩm đầu tay là một dự án bất động sản cao cấp với tổng vốn đầu tư hiện nay lên đến hơn 1000 tỷ đồng tại Đà Nẵng. Tại sao không bắt đầu tại một thị trường quen thuộc hơn như các vùng xung quanh Tp.Hồ Chí Minh?
Thực ra khi mới xây dựng công ty, tôi không dám kén cá chọn canh. Tôi chỉ đơn giản là muốn tìm một dự án nhà ở để có thể xây dựng theo ý muốn, thỏa mãn đam mê về kiến trúc từ nhỏ. Thế nhưng sau 6 tháng đầu thành lập, Filmore vẫn không kiếm được dự án nào.
Tình cờ có một anh môi giới biết chuyện tôi thành lập công ty riêng và đang tìm kiếm đất, bèn liên hệ để giới thiệu. Mảnh đất đáp ứng được toàn bộ tiêu chí của tôi với vị trí đẹp, đủ diện tích xây dựng, phù hợp với quy mô vốn của Filmore, đặc biệt là quy hoạch và pháp lý rõ ràng. Thực sự mọi thứ là cái duyên.
Toà nhà được xây với ý tưởng cá chép hóa rồng. Đây là ý tưởng của tôi gắn liền với câu chuyện phát triển của Đà Nẵng. Khoảng 20-30 năm về trước, Đà Nẵng từ thành phố hoang sơ đã chuyển mình và lột xác thành một trong những nơi đáng sống nhất Việt Nam.
Phát Đạt và ông Nguyễn Văn Đạt có hỗ trợ anh không?
Tôi thực sự mong muốn mọi người nhìn nhận Filmore là một công ty hoàn toàn độc lập với Phát Đạt.
Khi phát triển dự án The Filmore Da Nang, số vốn đầu tư ban đầu do tôi góp 100%. Nhưng sau một thời gian phát triển, người tiếp theo rót vốn vào Filmore là bác Lê Quang Phúc, sau đó đến Andy Han Suk Jung và bác Đoàn Viết Đại Từ, là những thành viên HĐQT hiện nay của Filmore.
Tôi cũng từng gặp rất nhiều khó khăn và phải tự lực vượt qua, điển hình như việc thuyết phục các ngân hàng đứng ra tài trợ cho dự án. Có rất nhiều sự hoài nghi vì khi đó, công ty còn rất nhỏ, rất mới như một tờ giấy trắng và tôi với vai trò là người dẫn dắt công ty lúc đó cũng chỉ mới 29 tuổi. Tôi đã cùng các cộng sự trải qua rất nhiều thách thức để xây dựng và phát triển Filmore, đặc biệt là trong thời gian khó khăn do đại dịch Covid và khủng hoảng của ngành bất động sản.
Vì vậy, để làm được cho tới ngày hôm nay tôi có thể khẳng định Filmore là một công ty tự lập phát triển, không dựa hơi ai.
Vậy có thể hiểu như thế nào khi Filmore nói rằng mình là doanh nghiệp F1 của Phát Đạt?
Điều này chỉ đơn giản mang ý nghĩa rằng Filmore là một công ty do thành viên thế hệ F1 của gia đình đã sáng lập và đang điều hành Phát Đạt lập nên. Khi tôi là thế hệ F1 của gia đình đó, tôi có thể chiêm nghiệm được những thành công và thất bại từ thế hệ trước. Tôi đã có thời gian ở Phát Đạt để thấy được những gì họ làm tốt, những gì họ làm chưa tốt để đúc kết kinh nghiệm cho Filmore.
Nói về các cộng sự, dù còn trẻ nhưng anh đã thu hút được những người sừng sỏ trên thị trường về làm Filmore cùng mình, như TGĐ Andy Han Suk Jung, người từng là TGĐ của Sơn Kim, ông Đoàn Viết Đại Từ, Chủ tịch của OpenAsia, và ông Lê Quang Phúc, thành viên HĐQT độc lập của nhiều công ty niêm yết. Anh đã làm cách nào?
Trong tiếng Việt có từ “hùn hạp”, có nghĩa là những người góp vốn chung, làm việc chung phải hạp nhau, hợp nhau. “Hợp” là có cùng một suy nghĩ, lý tưởng và những giá trị tương đồng. Ngoài ra, còn phải cùng có ý chí hướng đến một mục tiêu và sẵn lòng cùng chia sẻ khó khăn.
Cả 4 thành viên HĐQT của Filmore hiện tại đều có một mục tiêu chung là tạo nên một không gian sống giàu cảm xúc, nhiều trải nghiệm mới cho cư dân. Chúng tôi thậm chí muốn phá cách, tạo ra sự khác biệt trong lĩnh vực dự án nhà ở tại Việt Nam để tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, theo xu hướng phát triển của thế giới nhưng vẫn trong mức thu nhập của người Việt Nam.
Nhưng không phải ngay từ đầu, hay chỉ ngày một ngày hai mà những người đó cùng cộng tác với tôi. Từng người trong HĐQT Filmore bây giờ đã có quãng thời gian khá dài theo dõi, trao đổi, chia sẻ và đưa ra cho tôi những bài “test” để biết tôi có thực sự “hạp” để hợp tác cùng hay không.
Ví dụ về một bài test?
Ví dụ với bác Đoàn Viết Đại Từ, từ ngày tôi ngỏ ý hợp tác đến ngày nhận được lời đồng ý rót vốn của OpenAsia mất đến một năm. Trong quãng thời gian đó, bác đã nói chuyện với tôi rất nhiều và quan sát cách tôi phát triển công ty cũng như phát triển dự án từ một bãi đất trống. Bác đặt rất nhiều những câu hỏi, ví dụ như tại sao không dùng tầng cao nhất để làm penthouse, tăng lợi nhuận mà lại tốn chi phí để đưa tất cả các tiện ích lên tầng này.
Tôi đã chia sẻ với bác Đại Từ, vì tôi quan sát thấy rằng tại nhiều dự án ở Việt Nam, nhiều cư dân chỉ coi căn hộ của họ là nơi chỉ để về và ngủ, sống trong đó nhưng lại không tương tác xung quanh, thậm chí không biết hàng xóm mình là ai. Vì vậy, Filmore chú trọng vào các không gian công cộng để làm sao có thể khuyến khích cho việc tương tác cộng đồng. Vị trí và khung cảnh xung quanh quá đẹp, nếu đưa tiện ích lên tầng cao nhất thì tất cả mọi người đều được thưởng thức giá trị và cái đẹp này thay vì chỉ có một nhóm khách hàng nhỏ mua penthouse.
Tưởng tượng vào một buổi hoàng hôn, cư dân có thể lên đó, thưởng thức một ly champagne rất chill và gặp gỡ, chuyện trò trao đổi, kết nối với những người hàng xóm, thư giãn ở đó…
Tôi tin rằng những gì mình đang làm là đúng. Dự án có thể mang lại trải nghiệm tốt và những giá trị lớn hơn cho cư dân dù chi phí xây dựng cao hơn. Khi còn ở Phát Đạt tôi cũng rất nhiều lần đưa ra những ý tưởng tương tự như vậy và đều bị bác bỏ vì vấn đề hiệu quả kinh doanh. Bản thân tôi muốn làm một người kiến tạo cộng đồng thay vì chỉ là một người phát triển bất động sản thông thường, tạo ra dự án rồi bán kiếm lời.
Sau hơn 1 năm, bác mới tin những gì tôi nói đúng với những gì tôi làm rồi mới quyết định đầu tư. Nhưng cũng phải mất thêm 6-8 tháng làm due diligence (DD) thì OpenAsia mới chính thức rót vốn.
Những người này đều là bạn bè thân thiết của bố anh phải không?
Bác Đại Từ và bác Lê Quang Phúc mặc dù lúc đó đang là thành viên HĐQT của Phát Đạt nhưng đầu tư vào Filmore là thương vụ riêng của họ. Khi đầu tư vào Filmore là họ phải bỏ tiền tươi thóc thật của cá nhân nên họ đã đắn đo và cân nhắc rất nhiều về hiệu quả chứ không phải vì quan hệ với bố tôi.
Từ lúc lập Filmore đến nay, đâu là khó khăn nhất mà anh phải đối mặt?
Trong 5 năm phát triển thì chúng tôi đã phải trải qua hết 2 năm Covid-19 và 2 năm suy thoái kinh tế. Chúng tôi đã đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng thử thách lớn nhất theo tôi nghĩ vẫn là làm thế nào để có thể giữ được cam kết với khách hàng về chất lượng và nhanh chóng bàn giao nhà trong hoàn cảnh như thế.
Họ đã đặt niềm tin và hi vọng vào sản phẩm đầu tay của chúng tôi nên tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc này. Làm được thì mới bảo chứng được cho năng lực của công ty, mọi người mới tin chúng tôi.
Mục tiêu đó là không hề dễ dàng với những tác động ngoại cảnh chưa từng có tiền lệ. Tôi nhận thức được khó khăn mà mình phải đối mặt, các anh em cũng nhận thức được. Trong quá trình đó, tôi luôn phải cố gắng tìm cách tự tạo cho mình năng lượng tích cực để mình có thể suy nghĩ tích cực, hành động tích cực, rồi từ đó kề vai sát cánh cùng anh em, lan toả, động viên đến anh em để tất cả vững lòng tin và cùng tìm ra những giải pháp.
Tôi vẫn nhớ cảm giác có những hôm tôi cùng các anh em phải họp online đến tận nửa đêm nhưng ai cũng còn rất hăng hái tranh luận. Sự đồng lòng và tích cực hướng đến mục tiêu chung đó của đội ngũ cũng đã nhận được những kết quả tích cực. Đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ bàn giao những căn hộ đầu tiên đến khách hàng. Tôi rất trân quý những cảm xúc, những khoảnh khắc đã trải qua cùng đội ngũ.
Tôi hay chia sẻ vui rằng Filmore là công ty lớn lên trong nghịch cảnh nhưng lửa thì thử vàng, gian nan thì thử sức thôi.
Khi chào hàng tại Hong Kong, căn hộ đầu tiên Filmore bán được lên tới 1,2 triệu USD. Điều này có nằm trong tính toán của anh không?
Thời điểm đó là bắt đầu đại dịch và giãn cách xã hội nên muốn chào bán cho khách hàng thì rất khó. Thông qua sự giới thiệu của người bạn ở Hong Kong, tôi biết được một đơn vị tư vấn bán hàng cũng đang là đối tác bán hàng cho một dự án cao cấp của một nhà phát triển BĐS rất lớn tại Việt Nam. Chúng tôi kết nối qua online meeting và mời họ tư vấn bán hàng.
Nhưng công ty đó nói rằng họ mới chỉ bán các dự án tại TP HCM hay Hà Nội, chưa bao giờ bán tại Đà Nẵng nên có thể sẽ không làm dự án này. Tôi đã cố gắng theo đuổi và thuyết phục thành công. Việc hợp tác với đối tác quốc tế giúp tôi mở mang rất nhiều, không chỉ về các thủ tục pháp lý mà còn ở việc định giá.
Trong buổi chào hàng đầu tiên, chúng tôi đã bán được một căn hộ của The Filmore Đà Nẵng với giá 1,2 triệu USD. Căn hộ này có 2 tầng thông nhau, nằm ở vị trí cao nhất, vừa có view sông vừa nhìn ra biển. Cả dự án chỉ có 4 căn thôi. Tầm view đó phải nói là rất tuyệt vời và khi đơn vị tư vấn bán hàng vào xem, họ nói rằng có thể bán với giá 1,2 triệu USD. Lúc đó chúng tôi không tin lắm, thế nhưng họ đã bán được thật.
Nhiều người cho rằng đây là “chiêu” truyền thông của anh thôi, anh nghĩ sao?
Cũng dễ hiểu nếu mọi người nghi ngờ về tính xác thực của chuyện đó vì ngay cả bản thân chúng tôi còn không tin được.
Tuy nhiên, nếu xem xét thực tế thì việc này hoàn toàn có lý vì mặt bằng chung giá căn hộ tại Hong Kong cao hơn rất nhiều so với Việt Nam. Đối với giới thượng lưu ở Hong Kong thì căn hộ giá 1 triệu USD là rất rẻ so với thu nhập, họ cũng đang có xu hướng đầu tư tài sản ở nước ngoài như Thái Lan, Ả Rập, Anh và cả Việt Nam.
Vị khách đặt mua căn 1,2 triệu USD còn mua thêm căn hộ 2 phòng ngủ nữa cho con trai. Ông ấy dự kiến tháng 12 này sẽ bay đến Việt Nam để xem thực tế tiến độ dự án và tôi đang xin phép công bố danh tính của người mua.
Khi bán được căn hộ đầu tiên với cái giá vượt qua mong đợi như vậy, anh thông báo với ai đầu tiên?
Việc đầu tiên tôi làm khi đó là thông báo đến toàn thể thành viên của công ty. Tôi hiểu được rằng họ là những người trên tiền tuyến cố gắng ngày đêm để tạo ra kết quả này nên tôi ý thức được họ phải là những người được biết tin vui và phải ghi nhận đầu tiên. Sau đó mới đến gia đình và bạn bè tôi.
Gia đình cũng đã ghi nhận sự cố gắng của tôi, của đội ngũ và có những lời động viên quý giá. Đây là động lực cần thiết cho chính bản thân tôi tiếp tục cố gắng trên con đường phía trước.
Tôi chưa xem đó đã là thành công vì con đường của mình phải đi còn rất dài. Tôi luôn cố gắng giữ cho 2 chân mình chạm đất. Tôi chỉ xem sự kiện đó như một tín hiệu cho việc con đường đang chọn đi là đúng hướng, chứ chưa phải sự khẳng định cho thành công.
Filmore nói rằng công ty có quỹ đất đủ lớn để triển khai nhiều dự án trong 5 năm tới. Đặc điểm quỹ đất của các anh là gì và tình hình thị trường BĐS hiện tại có thuận lợi để ‘săn’ quỹ đất?
Filmore nhắm đến các quỹ đất tại các đô thị lớn và tiềm năng như TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương…, có quy hoạch rõ ràng để tập trung làm dự án căn hộ sở hữu lâu dài. Các quỹ đất này phải đáp ứng được cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, mật độ dân cư. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tính toán tiềm năng phát triển của khu vực đó trong vòng 5 năm tới.
Bối cảnh thị trường BĐS khó khăn như hiện tại là một thuận lợi để Filmore đi tìm kiếm quỹ đất phát triển dự án. Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý ở Việt Nam không thể làm nhanh được nên để từ lúc M&A một quỹ đất đến lúc triển khai xây dựng dự án cũng có thể mất vài năm. Nếu như ngay lúc này công ty không tạo được quỹ đất thì thời gian phát triển sẽ bị kéo dài hơn nữa.
Theo anh, với thế hệ doanh nhân F1, họ có lợi thế gì và phải chịu những áp lực như thế nào?
Việt Nam có câu ‘con hơn cha nhà có phúc’. Quan niệm của mọi người là gia đình chỉ có phúc khi thế hệ sau tốt hơn thế hệ trước. Vì quan niệm đó, thế hệ sau sẽ được mọi người kỳ vọng nhiều hơn. Kỳ vọng nhiều mà thế hệ sau không đạt được thì sẽ nhận lại sự thất vọng. Đó cũng là một áp lực cho thế hệ F1 như chúng tôi.
Nhưng có một câu tôi hay nói: Dựng nước khó, giữ nước lại càng khó hơn. Không nhiệm vụ nào dễ dàng cả. Lợi thế của thế hệ sau là có dữ liệu lịch sử, có được bài học và kinh nghiệm từ những thành công và thất bại của thế hệ đi trước. Đó là nền tảng cho thế hệ sau có thể tiếp tục phát triển.
Ở Việt Nam tôi hay nghe câu “sinh ra ở vạch đích”. Tuy nhiên, tôi nghĩ vạch đích của mỗi người là khác nhau, vạch xuất phát của mỗi người cũng khác nhau nên không ai sinh ra trên vạch đích cả. Vì vậy, tôi rất không đồng tình với việc coi một ai đó sinh ra trên nền tảng tốt hơn người khác thì người đó đang ở vạch đích. Cuộc sống và mọi thứ luôn luôn thay đổi và thay đổi rất nhanh nên nếu xác định mình ở vạch đích rồi thì sẽ thua thiệt người khác trong tương lai.
Hiện tại bản thân tôi vẫn đang ở vạch xuất phát.
Ông Nguyễn Văn Đạt từng có biệt danh là Lộc “liều” (Lộc là một cái tên khác của ông Đạt) khi mua miếng đất xây The EverRich 1 đúng lúc thị trường BĐS đóng băng, nhưng sau đó đã thành danh nhờ nó. Ông ấy cũng từng tự tin nói rằng, mệnh mình là Đại trạch Thổ nên nhân duyên của ông là làm BĐS. Tình cờ, anh sinh năm 1990, cũng là mệnh Thổ. Anh thấy mình có những điểm tương đồng với bố không?
Lúc ông được gọi là Lộc ‘liều’, tôi không ở Việt Nam nên không biết sự tích đó. Nhưng với những nền tảng tôi có và những kinh nghiệm đúc kết được từ thành công, thất bại của bố cũng như của Phát Đạt, tôi nghĩ mình có đủ nhận thức để đánh giá các rủi ro. Tôi thực sự không nghĩ mình làm liều, tôi thường phân tích rất sâu trước khi ra quyết định.
Về cái gọi là mệnh Thổ thì trên đời có biết bao nhiều người mệnh Thổ, đâu phải ai cũng thành công với BĐS. Với tôi, thành công đến từ sự cố gắng, mày mò học hỏi. Bố tôi có một câu rất hay là “Đừng giấu dốt, hãy học hỏi và dám thay đổi”, tôi luôn lấy đó làm kim chỉ nam.
Anh sử dụng khá nhiều tục ngữ Việt Nam khi nói chuyện. Anh thích cách diễn đạt bằng tục ngữ?
Ngày xưa đi học, môn văn không phải là thế mạnh của tôi đâu, nhưng khi đi làm với các bậc cha chú, tôi hay được nghe họ dùng tục ngữ nên thấm vào người. Thực tế, tôi rất yêu văn hoá Việt Nam. Tôi rất sợ mất gốc.
Một trong những nỗi trăn trở lớn của tôi là nhiều nhà đầu tư cố gắng tạo ra những “Singapore tại Việt Nam, Nhật Bản tại Việt Nam” mà không phải là “Việt Nam tại Việt Nam”. Chúng ta có rất nhiều nét đẹp, giá trị văn hóa hay, tại sao không cổ động những nét văn hóa đó trong chính đất nước mình?
Tôi đã nghĩ về việc làm sao để Filmore có thể mang văn hóa Việt Nam vào trong kiến trúc của mình và đang cố gắng tìm lời giải. Ví dụ như đem kiến trúc cung đình Huế áp dụng cho những tòa nhà hiện đại chẳng hạn.
Vậy tầm nhìn của anh cho công ty riêng của mình là gì?
Tôi có một ước mơ là Filmore không chỉ gói gọn trong ngành bất động sản mà có thể mở rộng ra đa ngành. Khi mở rộng ra đa ngành, doanh nghiệp của tôi có thể đóng góp lớn hơn cho xã hội, cho cộng đồng, tạo ra tác động tích cực ở nhiều khía cạnh hơn.
Sau khi đạt được mục tiêu đó tôi sẽ xác định cho mình những định hướng tiếp theo. Cũng giống như nhiều người chạy Marathon, họ đâu có chạy 1 giải mà sẽ chạy rất nhiều giải, chinh phục thành công 5km thì họ sẽ nâng quãng đường chạy của mình lên 21km, 42km rồi 100km…
Cảm ơn anh về những chia sẻ này!
Bài:Trọng Hiếu – Ngô My
Thiết kế:Hương Xuân
Nguồn: CafeF: https://cafef.vn/chu-tich-hdqt-filmore-dung-nuoc-kho-giu-nuoc-con-kho-hon-the-he-f1-chung-toi-khong-ai-sinh-ra-o-vach-dich-188231105001141095.chn?